Trung bình một tháng, BV Bệnh Nhiệt đới TW tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc gia truyền "3 đời" chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hoá khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai... nên đã không ngần ngại mua về uống, chẳng ngờ lại gặp tai hoạ... Nhiều bệnh nhân đến khám ngay lập tức phải nhập viện điều trị vì men gan tăng, vàng da, vàng mắt và đặc biệt có bệnh nhân suýt ngừng tim.
Đang nằm điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TW, cô gái 25 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) đau bụng dữ dội sau 20 ngày uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, men gan tăng cao gấp 20 lần.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, 3 ngày trước khi nhập viện, cô gái bị đau bụng âm ỉ cả ngày, có lúc đau quặn thành cơn, sốt. Trước đó, cô gái có uống thuốc nam suốt 20 ngày, không rõ loại thuốc và nguồn gốc thuốc, vì mong mỏi có thể sinh được con trai.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, người bệnh được điều trị hết sốt nhưng đi ngoài phân đen kèm máu tươi. Bác sĩ chẩn đoán mắc viêm đại tràng và trĩ độ một, chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15/3.
Theo BS. Vũ Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bệnh rất đau đớn, không thể chia sẻ gì về loại thuốc nam đã uống. Các xét nghiệm cho thấy cô gái có men gan cao gấp khoảng 20 lần so với bình thường và âm tính viêm gan B, C, HIV.
"Men gan của người bệnh tăng cao bất thường khả năng cao do thuốc nam. Men gan cao cũng cho thấy gan đã nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới vàng da, vàng mắt, suy gan", - BS. Đức cho biết.
Các bác sĩ cho biết, điều may mắn là bệnh nhân này được phát hiện bệnh sớm, gan chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Người bệnh được yêu cầu dừng uống thuốc nam để không làm xấu tình trạng men gan, sau đó uống thuốc giải độc, bổ gan để giúp gan hồi phục. Bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp song chưa thể kết luận việc viêm ruột thừa có liên quan tới thuốc nam hay không.
Hiện, người bệnh đã được phẫu thuật cắt ruột thừa, men gan cao đã giảm một nửa sau gần nửa tháng điều trị. Dự kiến, cô gái sẽ xuất viện trong tuần này.
Tự ý điều trị, rước hoạ vào thân
Trước đó không lâu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận.
Được biết, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống. Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng có 1 gói là thuốc paracetamol, 1 gói là phenformin điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương và cho rằng thuốc nam, thuốc lá lành tính, không bổ ngang thì cũng bổ dọc, nhiều người đã bất chấp mua về uống. Không những thế, dư luận thường gắn mác và đồn thổi về những "thần y", "thần dược" khiến người dân dễ dàng tin theo, phó thác sức khoẻ và tính mạng cho những "lang băm".
Theo BS. Đức, việc sử dụng thuốc nam "trôi nổi" rất nguy hiểm do không rõ thành phần, nguồn gốc, xuất xứ. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và qua thận. Nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận, có thể tử vong.
$ads={2}
Với bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính, BS. Nguyễn Viết Nam - Khoa Cấp cứu cho biết, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
"Bệnh nhân đái tháo đường không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần vì có thể thuốc đã được trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc" - BS. Nam khuyến cáo.
Với các thuốc điều trị theo đông y cần có liều lượng và được bác sĩ chỉ định, sử dụng thuốc nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo.
Theo suckhoedoisong.vn